10 ĐIỂM MỚI LUẬT CĂN CƯỚC NĂM 2023
Ngày cập nhật 26/06/2024

Ngày 27/11/2023, Quốc hội khoá XV đã chính thức thông qua Luật Căn cước và Luật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Luật Căn cước năm 2023 có những điểm mới đáng chú ý sau:

    1. Chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

    Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định thẻ có tên là thẻ căn cước công dân. Tuy nhiên, theo quy định Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024) thì thẻ căn cước công dân được đổi tên thành thẻ căn cước. Tại khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước năm 2023 quy định thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước năm 2023.

    2. Bỏ thông tin quê quán, vân tay và đặc điểm nhân dạng in trên thẻ căn cước

    Theo khoản 2 Điều 18 Luật Căn cước năm 2023, thẻ căn cước mới sẽ lược bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng, thay vào đó là thông tin nơi đăng ký khai sinh, đồng thời điều chỉnh thông tin in trên thẻ từ nơi thường trú thành nơi cư trú.

    3. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước

    Theo quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014, chỉ có công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên mới được cấp thẻ Căn cước công dân. Tuy nhiên, tại Điều 19 Luật Căn cước năm 2023, thì người được cấp thẻ căn cước được quy định cụ thể:

    - Là công dân Việt Nam.

    - Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

    - Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

    - Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

    Như vậy, từ ngày 01/7/2024 khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành thì công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

    4. Bổ sung thu nhận thông tin sinh trắc học

    Việc thu nhận thông tin sinh trắc học của công dân theo quy định Luật Căn cước công dân năm 2014 chỉ gồm ảnh khuôn mặt, vân tay. Tuy nhiên, tại Điều 16 Luật Căn cước năm 2023 quy định thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước. Đồng thời, tại Điều 23 Luật Căn cước năm 2023 quy định khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 06 tuổi trở lên, quá trình thực hiện người tiếp nhận phải thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.

    Bên cạnh đó theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước năm 2023 thì cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.

    5. Bổ sung, điều chỉnh các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

    Điều 24 Luật Căn cước năm 2023 đã bổ sung, điều chỉnh các trường hợp cấp đối, cấp lại thẻ căn cước như sau:

    (1) Bỏ quy định cấp đổi thẻ đối với trường hợp công dân có thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, công dân xác định lại quê quán và bổ sung thêm quy định cấp đổi thẻ căn cước đối với trường hợp gồm:

    - Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi.

    - Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh.

    - Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật.

    - Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước được thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính.

    - Công dân xác lập lại số định danh cá nhân.

    (2) Bổ sung quy định cấp lại thẻ căn cước đối với trường hợp thẻ bị hư hỏng không sử dụng được thay vì cấp đổi như theo quy định Luật Căn cước công dân năm 2014.

    6. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước

    Theo quy định tại Điều 22 Luật Căn cước năm 2023 quy định:

    - Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

    - Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

    - Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

    Như vậy, những thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước sẽ có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó giúp công dân thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch...

    7. Cấp Giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch

    Việc cấp Giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là điểm mới hoàn toàn so với quy định cũ tại Luật Căn cước công dân năm 2014. Theo khoản 12 Điều 3 Luật Căn cước năm 2023 thì Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định.

    Tại khoản 1 Điều 30 Luật Căn cước năm 2023 thì Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện (nếu không có đơn vị hành chính cấp xã).

    8. Từ ngày 01/7/2024 mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử

    Tại khoản 1 Điều 31 Luật Căn cước năm 2023 nêu rõ: mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử. Đây là căn cước của công dân được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

    9. Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, được cấp đổi sang thẻ căn cước khi công dân có yêu cầu

    Tại Điều 46 Luật Căn cước năm 2023 quy định: Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp thẻ Căn cước công dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

    Như vậy, đối với thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn in trên thẻ trừ trường hợp thẻ Căn cước công dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến ngày 30/6/2024, hoặc khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước.

    10. Sẽ “khai tử” Chứng minh nhân dân từ ngày 01/01/2025

    Theo quy định chuyển tiếp tại khoản 2 và khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước năm 2023, Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp. Như vậy, Chứng minh nhân dân chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024 dù còn hạn sử dụng hay đã hết hạn sử dụng./.

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 859.997
Truy cập hiện tại 20