Những nội dung cơ bản công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn
Ngày cập nhật 04/05/2023

Công ước chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT) là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người, thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình thế giới mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987.

Xuất phát từ thực tiễn pháp lý của Việt Nam và quốc tế cho thấy việc nước ta gia nhập Công ước CAT là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay khi Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Ngày 07/11/2013, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khóa 13 đã phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn Công ước chống tra tấn, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; ngày 12/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.

NỘI DUNG TRỌNG TÂM CƠ BẢN CỦA CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ PHÒNG, CHỐNG TRA TẤN

Tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là các quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến phòng, chống tra tấn; đảm bảo các quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Phòng, chống các hành vi tra tấn liên quan đến các tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự; thực thi nghiêm minh các quy định của Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật xử lý vi phạm hành chính. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền con người và phù hợp với yêu cầu của Công ước chống tra tấn; các quy định pháp luật về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức bảo đảm tôn trọng quyền con người khi thi hành công vụ liên quan đến phòng, chống tra tấn; các quy định pháp luật về bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế.

GIỚI THIỆU MỘT SỐ NHỮNG NỘI DUNG CỦA CÔNG ƯỚC QUY ĐỊNH TRONG HIẾN PHÁP VÀ CỤ THỂ HÓA TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quan tâm đặc biệt.

Hiến pháp năm 2013 đã có một số quy định phù hợp với Công ước chống tra tấn, như: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1 Điều 31); “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.” (khoản 4 Điều 31); “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật” (khoản 5 Điều 31); “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm” (khoản 7 Điều 103);…

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, cụ thể như:

Thứ nhất, cụ thể hóa quy định tại khoản 1, Điều 20 của Hiến pháp năm 2013 vào Điều 8 Bộ luật Tố tụng hình sự thành quy định về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân: “Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết”.

Thứ hai, quy định về bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể tại Điều 10 của Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người”.

Thứ ba, cụ thể hóa khoản 5, Điều 31 của Hiến pháp năm 2013 thành quy định tại Điều 11 của Bộ luật Tố tụng hình sự về bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân, cụ thể: “Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân đều bị xử lý theo pháp luật. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác”.

Thứ tư, ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội theo đúng tinh thần quy định tại khoản 1, Điều 31 của Hiến pháp năm 2013 vào Điều 13 của Bộ luật Tố tụng hình sự phù hợp với nội dung quy định của Công ước chống tra tấn, cụ thể: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”

Thứ năm, cụ thể hóa quy định tại khoản 4, Điều 31 của Hiến pháp năm 2013 vào Điều 16 của Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, cụ thể: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Bộ luật Tố tụng hình sự đã luật định điều này nhằm phòng ngừa việc trong khoảng thời gian từ khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam đến khi truy tố có nhiều khả năng, cũng như nguy cơ xảy ra các hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình sẽ được thực hiện. Vì vậy, để hạn chế việc thực hiện các hành vi nêu trên thì người bào chữa cần phải có mặt, tham gia ngay từ giai đoạn tố tụng ban đầu, cụ thể trong giai đoạn khởi tố vụ án thì người bào chữa tham gia từ khi một người bị bắt (trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang), bị tạm giữ, tạm giam. Đồng thời, phải quy định quyền của người bào chữa là có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên hoặc kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can.

Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, phải được phổ biến, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, sâu rộng và gắn với việc triển khai có hiệu quả pháp luật tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Tập tin đính kèm:
Hồng Đức
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 859.997
Truy cập hiện tại 26