Tìm kiếm tin tức
Thông tin giới thiệu
Ngày cập nhật 18/12/2015

Năm 2007, phường Hương Sơ được thành lập trên cơ sở 393,81 ha diện tích đất tự nhiên và 6.992 người của xã Hương Sơ (một phần diện tích và dân số của xã Hương Sơ tách ra và thành lập phường An Hoà) theo Nghị định Số 44/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành.

Phường Hương Sơ thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm về phía Bắc và cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km. Đây là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và đấu tranh cách mạng. Từ cuối thế kỷ XV, các lớp cư dân người Việt đã di dân Nam tiến đến khai phá, lập nên các làng Thế Lại, Thạc Lại, Tri Lễ, Bao Thu (nay là Bao Mỹ), Lễ Khê, Đức Bưu, Dương Xuân. Những ngôi làng này đều là những làng cổ, được thành lập sớm ở Thừa Thiên Huế. Trong quá trình sinh cư lập nghiệp, người dân nơi đây đã hun đúc nên truyền thống văn hoá tốt đẹp, đức tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất và kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng (năm 1930), truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của Nhân dân phường Hương Sơ được phát huy. Năm 1937, Chi bộ Bao Vinh (tiền thân của Đảng bộ Hương Trà) được thành lập, lãnh đạo phong trào cách mạng chung của toàn huyện Hương Trà (địa bàn Hương Sơ lúc này thuộc huyện Hương Trà). Dưới hoạt động của Chi bộ này, một số thanh niên yêu nước ở các làng Thế Lại Hạ, Tri Lễ, Bao Mỹ, Lễ Khê, Thạc Lại, Đức Bưu, Dương Xuân được tiếp xúc với tư tưởng tiến bộ, giác ngộ cách mạng. Nhân dân Hương Sơ cùng tham gia vào phong trào đấu tranh chung chống thực dân Pháp đô hộ trong các cao trào cách mạng, mà nhất là tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, góp một phần nhỏ vào thắng lợi chung của toàn huyện và tỉnh.

Bước vào giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), với vị trí là người làm chủ vận mệnh dân tộc, Nhân dân Hương Sơ dưới cùng với Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành một cuộc kháng chiến trường kỳ. Buổi đầu, các làng của Hương Sơ nằm trong địa bàn 2 xã của chính quyền cách mạng là xã Hương Lưu (gồm các thôn: Tri Lễ, Bao Mỹ, Thạc Lại, Lễ Khê) và xã Hương Điền (gồm các thôn: Dương Xuân, Đốc Sơ, Đức Bưu, Thế Lại Hạ). Đến đầu năm 1947, thực hiện chủ trương sáp nhập các xã lớn của Tỉnh, xã Hương Vĩnh được thành lập, các thôn Tri Lễ, Bao Mỹ, Thạc Lại, Lễ Khê, Dương Xuân, Đức Bưu, Thế Lại Hạ đều thuộc xã này. Với việc sáp nhập xã, Chi bộ xã Hương Vĩnh được kiện toàn, do đồng chí Lê Quang Cận làm Bí thư. Lúc này, trên địa bàn Hương Sơ chính thức có một chi bộ Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo đó, Nhân dân địa bàn Hương Sơ cùng Nhân dân xã Hương Vĩnh đã gặt hái nhiều thành tựu trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1949, xã Hương Vĩnh là một trong 8 xã toàn Liên khu IV được tuyên dương tại Hội nghị của Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV. Tiếp đó, tháng 5-1950, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên lần thứ II, Chi bộ Hương Vĩnh là 1 trong 9 tập thể toàn tỉnh được khen thưởng với thành tích: “Rào làng chiến đấu có kết quả, nắm chắc được dân quân, có nhiều thành tích trong việc đối phó với địch, thực hiện du kích chiến có kết quả nhiều”. Chi bộ cũng được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên viết thư khen thưởng.

Thắng lợi của trận Điện Biên Phủ (1954) và Hiệp định Giơ-ne-vơ (21-7-1954) đã kết thúc cuộc kháng chiến của Nhân dân ta trong thắng lợi. Tuy nhiên, sau đó nước ta bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc. Nhân dân Hương Sơ tiếp tục cùng Nhân dân miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện chủ trương của Huyện uỷ Hương Trà, khoảng năm 1955 ở xã Hương Vĩnh hình thành Xã uỷ và bên dưới có nhiều chi bộ nhỏ ở các thôn. Đây là một bước phát triển trong tổ chức Đảng ở địa bàn Hương Sơ. Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm với các đợt “tố cộng”, “diệt cộng” và đưa ra Luật 10/59 đã khiến cho phong trào cách mạng miền Nam nói chung, Xã uỷ Hương Vĩnh nói riêng chịu tổn thất nặng nề; nhiều cán bộ, đảng viên của Hương Sơ bị bắt bớ, đánh đập, tù đày. Phong trào cách mạng ở Hương Sơ lúc này đặt dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ Hương Trà. Năm 1966, Huyện uỷ Hương Trà thành lập các đội công tác; trong đó, Chi bộ Đội công tác Hương Toàn – Hương Vĩnh chỉ đạo địa bàn Hương Sơ. Cuối năm 1974-đầu năm 1975, đội công tác do đồng chí Lê Ngọc Anh phụ trách đã đứng chân trên địa bàn xã Hương Vĩnh. Mùa xuân năm 1975, không khí cách mạng dâng cao, cùng chung trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân lịch sử, Nhân dân Hương Sơ đã cùng quân dân Thừa Thiên Huế nổi dậy giải phóng quê hương. 12 giờ trưa ngày 24-3-1975, xã Hương Sơ được giải phóng. Đến ngày 26-3-1975, tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn toàn được giải phóng.

Sau khi quê hương được giải phóng, Nhân dân Hương Sơ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ Hương Sơ đã bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, khai hoang phục hoá, phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh. Năm 1981, xã Hương Sơ sáp nhập vào thành phố Huế. Năm 1982, Chi bộ Hương Sơ được nâng lên thành Đảng bộ cơ sở. Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn của Đảng bộ Hương Sơ, đánh dấu sự lớn mạnh, bước phát triển về mặt tổ chức Đảng của phường.

Từ năm 1986, thực hiện chủ trương Đổi mới của Trung ương Đảng, Đảng bộ Hương Sơ lãnh đạo Nhân dân tiến hành đổi mới toàn diện và gặt hái nhiều thành tựu. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hương Sơ đã đoàn kết một lòng, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Trên bước đường đổi mới của đất nước, nền kinh tế của Hương Sơ có những bước phát triển vững chắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, làm thay đổi bộ mặt của địa phương, ngày càng mang dáng dấp đô thị. Các mặt giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội có những bước phát triển mới, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. An ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, không có vụ việc nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn trong nhiều năm liền. Tất cả những thành tựu gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng bộ xã Hương Sơ. Với những chủ trương, chính sách đúng đắn, sát hợp, Đảng bộ đã phát huy vai trò lãnh đạo của mình trên mọi mặt, đưa Hương Sơ tiến những bước vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm 2007, phường Hương Sơ được thành lập trên cơ sở 393,81 ha diện tích đất tự nhiên và 6.992 người của xã Hương Sơ (một phần diện tích và dân số của xã Hương Sơ tách ra và thành lập phường An Hoà) theo Nghị định Số 44/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành. Ngày 18-4-2007, Thành ủy Huế ban hành Quyết định số 146-QĐ/TU “Về việc thành lập đảng bộ cơ sở”, theo đó thành lập Đảng bộ phường Hương Sơ trực thuộc Thành ủy Huế gồm 27 đảng viên; đồng thời chỉ định Đảng ủy lâm thời gồm 9 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Lành làm Bí thư. Hiện nay, Đảng bộ phường Hương Sơ có 16 chi bộ trực thuộc, gồm 11 chi bộ dân cư, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ công an, 1 chi bộ quân sự với 174 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, hơn 15 năm qua (2007-2023), Nhân dân Hương Sơ đã đoàn kết, chung sức chung lòng, vượt qua những khó khăn, thách thức để tạo nên những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ phường Hương Sơ đã biết tận dụng những tiềm năng, thế mạnh của đô thị phía Bắc thành phố Huế, kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xác định đúng cơ cấu kinh tế, góp phần đưa bộ mặt của địa phương ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Những thành tựu đạt được là tiền đề quan trọng, tạo động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hương Sơ tiếp tục công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

- Vị trí địa lý: Phường Hương Sơ nằm ở phía Đông Bắc, thành phố Huế.

+ Phía Bắc giáp xã Hương Toàn, thi xã Hương Trà.

+ Phía Đông giáp xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà.

+ Phía Tây giáp phường An Hoà (phường mới được tách ra từ xã Hương Sơ cũ), thành phố Huế.

+ Phía Nam giáp phường Phú Thuận, thành phố Huế.

- Toàn phường hiện có 11 tổ dân phố với 3.521 hộ, 15.267 nhân khẩu. Toàn phường có 89 hộ nghèo với 336 khẩu; 82 hộ cần nghèo với 270 khẩu.

- Địa chỉ cơ quan: Đường Nguyễn Văn Linh

- Điện thoại cơ quan: 0234. 3588088

- Fax: 0234. 3588088

- Email: huongso@thuathienhue.gov.vn

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 859.997
Truy cập hiện tại 18